Kinh Dịch không phải để xem bói hay đoán biết mệnh vận của bất kỳ ai, bất kỳ điều gì. Đó là hiểu biết rất sơ khai và nông cạn thường thấy khi thế nhân nghiên cứu và sử dụng Kinh Dịch. Vì tâm mong cầu danh lợi và thỏa mãn ích kỷ cá nhân, nên hầu hết đã làm mất đi tinh hoa của Kinh Dịch vốn là lời dạy của Thần dành cho con người.
Loạt bài “Bí ẩn Kinh Dịch” này không có tham vọng viết hết tất cả bí mật của 64 quẻ Dịch, thay vào đó sẽ chỉ chọn ra một vài trong số 8 quẻ Thuần (Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Khảm, Ly, Đoài, Tốn) mà viết.
8 quẻ Tiên Thiên Bát Quái tượng trưng cho Đạo Trời và 64 quẻ Hậu Thiên Bát Quái tượng trưng cho việc người. 8 quẻ Thuần chính là 8 lời dạy nguyên sơ nhất của Thần dành cho con người trong tất cả các quẻ Hậu Thiên, cũng là phần tinh túy nhất để khơi gợi căn cơ ham học nghiên cứu của các độc giả yêu mến văn hóa Thần truyền.
Nếu bạn tìm hiểu với tâm vô dục vô cầu, chỉ từ 8 quẻ đó biết đâu bạn sẽ có cơ duyên hiểu được tất cả các quẻ còn lại, thay chúng tôi viết thêm cho hoàn chỉnh các lời dạy của Thánh hiền.
Rất hoan nghênh sự đóng góp của quý độc giả để hoàn thiện loạt bài nghiên cứu còn sơ sài này.
Kinh Dịch là gì?
Văn minh cổ Trung Hoa với nhiều di sản đồ sộ đem đến cho nhân loại nhiều tri thức quý giá.
Trong số đó, tác phẩm được nhiều người quan tâm nhất có thể kể đến Kinh Dịch, bộ kỳ thư mà nội hàm của nó cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Vì thế, khi nói về Kinh Dịch, có rất nhiều định nghĩa về nó, vậy đâu là định nghĩa đúng? Kinh Dịch là gì?
“Kinh” có thể hiểu là lời dạy bảo của Thần Phật, Thánh nhân, để điểm hóa cho con người, để con người thông qua sự tu học, khám phá ra bí ẩn của sinh mệnh, khai ngộ và quay trở về, vì cõi trần này vốn luôn được xem là cõi tạm.
“Dịch” không chỉ đơn giản là sự chuyển động và biến hóa của các quẻ. Có thể hiểu “Dịch” là biểu thị cho quá trình phát triển của mọi sinh mệnh, vạn sự vạn vật trong vũ trụ bao la này, từ lúc khởi nguyên cho đến lúc kết thúc; tuần hoàn theo một quy luật trong cái quy luật lớn nhất gồm hết thảy mọi thứ trong vũ trụ – chính là cái mà Lão Tử gọi là Đạo, Phật gọi là Pháp.
Vì các lẽ trên, có thể hiểu rằng Kinh Dịch chính là biểu thị của Đạo trong phạm vi tam giới này, là đạo lý hữu hạn có thể cấp cho con người mà Thần Phật qua đó giảng về sự huyền diệu của sinh mệnh, sự vô tận vĩnh hằng của vũ trụ, và quan trọng nhất là làm thế nào để sống đạt tiêu chuẩn có thể đắc Đạo, có thể quay về.
Kinh Dịch là của Trung Quốc hay của Việt Nam?
Đây là câu hỏi mà rất nhiều học giả đã đưa ra khi nghiên cứu Kinh Dịch, rất nhiều công trình nghiên cứu đã viết về vấn đề này. Mỗi công trình đều cố đưa ra những luận cứ, diễn giải thuyết phục để chứng minh rằng Kinh Dịch là thuộc về Việt Nam hay Trung Quốc.
Nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Theo sự hiểu biết của người viết, Kinh Dịch bắt đầu xuất hiện trước tất cả các nền văn minh trên Trái Đất này.
Nó là một di sản vỡ vụn của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, và rải rác khắp nơi trên thế giới còn sót lại sau một thảm họa hủy diệt. Người Maya, người Ai Cập cổ đại, người Khmer, Ấn Độ cổ cũng đều có những phần tri thức tương tự như Kinh Dịch.
Người Trung Hoa và Việt Nam may mắn có được nhiều mảnh vụn hơn mà thôi, và may mắn nhất là Trung Hoa đã sinh ra một Khổng Tử và Chu Công để san định và chú giải Kinh Dịch có hệ thống, nên người ta mới luôn nghĩ rằng Trung Hoa là cái nôi của Kinh Dịch.
Kinh Dịch có phải dùng để bói mệnh, xem phong thủy?
Nói nôm na, Kinh Dịch thật sự chính là một cỗ máy khổng lồ mô phỏng lại tất cả các dạng thức hoạt động và sự sống của vũ trụ, thời gian và không gian. Ví dụ gần nhất chính là các siêu máy tính lượng tử chuyên dùng để nghiên cứu và tính toán sự giãn nở của hệ ngân hà chúng ta. Để có thể mô phỏng thì nó phải có cơ chế tính toán, vì thế trong Kinh Dịch có một phần có thể coi là “toán học”, hay chính xác hơn là “toán học vũ trụ” – một cơ chế tính toán hoàn hảo có thể tính hết mọi thứ từ quá khứ đến tương lai. Nhỏ thì có thể tính được số mệnh một người, lớn thì có thể thấy được vận mệnh của một quốc gia từ vài chục cho đến hàng ngàn năm sau. Biểu hiện đơn giản nhất của nó chỉ có 64 quẻ, nhưng lại bao hàm từ sinh mệnh của con người, vạn vật cho đến cả thiên thể vũ trụ.
Vì Kinh Dịch to lớn như vậy, nên người trầm mê trong tiểu Đạo thế gian thì tìm thấy trong Dịch phương pháp bói mệnh, xem phong thủy, trừ tà. Người đức cao trí lớn muốn cải biến xã hội thì thấy trong đó có binh pháp, đạo trị quốc… Ai cũng cho rằng điều mình hiểu là đúng, vì thế từ cổ chí kim sách bình giải Kinh Dịch và ứng dụng Kinh Dịch nhiều vô số. Chính vì nhân tâm phức tạp nên mới làm cho lời dạy của Thánh nhân trở nên tạp loạn, làm mất đi giá trị chân chính của Kinh Dịch, dẫn đến cái họa cho người đời.
Nên tìm hiểu Kinh Dịch thế nào cho đúng?
Loạt bài này sẽ giúp ích cho những ai yêu thích văn hóa cổ, tìm hiểu Đạo của Thánh nhân để trau dồi tâm tính và đạo đức, thăng hoa nội tâm của chính mình. Chỉ với một khởi tâm như vậy, khi tìm hiểu môn này bạn mới có thể đắc được những gì mà Thần Phật thấy bạn xứng đáng. Đó chính là cái tâm “vô dục vô cầu” rất quý giá vậy. Còn như muốn học Dịch để xem mệnh cho người, để cầu danh phát tài thì hãy bỏ ý định đó đi, cái mà bạn đắc sẽ chỉ là thứ vỏ ngoài nông cạn và những tà ngộ hại người mà thôi.
Con người khi truy cầu công danh lợi lộc chính là người dơ bẩn trong mắt của Thần, sao xứng hiểu được điều cao siêu đây. Chỉ khi tâm của bạn đã trở nên bình lặng, mọi toan tính danh lợi đều như mây trôi… thì đó chính là lúc nên học Kinh Dịch, chỉ với tâm thái đó bạn mới thấy được các huyền cơ mà Thánh nhân gửi gắm.
Bài viết trên thuộc seri bài viết “Bí Ẩn Kinh Dịch” gồm 13 bài, bạn có thể tham khảo thêm ở danh sách dưới đây:
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.1): Kinh Dịch có phải chỉ để bói mệnh, xem phong thuỷ?
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.2): Quẻ thuần Càn và nhận thức về Thần và vũ trụ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.3): Bài học về quyền lực và tiền bạc của quẻ Càn Vi Thiên
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.4): Quẻ ‘Càn Vi Thiên’ quan hệ giữa Thiên Đạo với gia đình
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.5): Quẻ Thuần Khôn và bài học về thuận theo tự nhiên
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.6): Quẻ Thuần Khôn hé lộ con đường trở về Thiên Quốc
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.7): Quẻ Thuần Khôn và bài học xử thế cho người phụ nữ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.8): Quẻ Thuần Khôn và cái đức của người làm mẹ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.9): Quẻ Thuần Khôn và bài học về cái đức của người làm vợ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.10): Khảm Vi Thuỷ – lời dạy của Thần dành cho con người
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.11): Khảm Vi Thuỷ nhắn nhủ con người giữ tâm như Tịnh Thuỷ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.12): Quẻ Thuần Khảm tiết lộ bí quyết của tài phú và trí huệ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.13): Quẻ Khảm Vi Thuỷ và lối thoát cứu nguy cho con người hiện đại