Sách Nam Hoa Kinh – Trang Tử PDF

Sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử bản PDF được đặt ở cuối bài viết. Cùng với sách, sau đây là một số nội dung giới thiệu về Trang Tử và sách Nam Hoa Kinh của ông.

Trong link tải sách Trang Tử Nam Hoa Kinh bản PDF có cả của hai học giả Nguyễn Hiến Lê và Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Bạn đọc có thể tùy nghi chọn một cuốn hoặc xem cả hai cuốn sách để có nhiều góc nhìn nội dung hơn về Nam Hoa Kinh. Theo tôi, nếu đọc sách của ông Nguyễn Hiến Lê trước, sau đó học sách của ông Thu Giang sau, có thể do ông Nguyễn Hiến Lê có cách viết gần gũi với người đọc hơn và ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết sát theo nghĩa của sách gốc hơn. Mỗi học giả đều có cách viết hay.

Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử  được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người “thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn” để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Cuộc đời của Trang Tử gắn liền với giấc mơ bướm huyền thoại, gắn với vô số những trùng ngôn, ngụ ngôn sinh động, hấp dẫn. Các học giả khi nghiên cứu về Trang Tử đều cho rằng “khó có thể hiểu và trình bày đầy đủ, hệ thông triết học của ông”.

Về Trang Tử, nhìn từ góc độ triết học, tư tưởng học hay văn học đều thấy được sự phong phú nổi trội trong cách thức biểu hiện: một Đạo gia “phóng nhiệm”, “tài tử”, “ngông” và đầy sáng tạo.

Trang tử có địa vị rất lớn trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, ngang với Mạnh tử, hơn Tuân tử, hơn cả Mặc tử nữa. Nhờ ông một phần lớn mà tư tưởng của Lão tử mới được phổ biến mạnh: chỉ giới trí thức mới quí những cách ngôn trong Đạo Đức kinh, còn giới bình dân thì ai cũng biết ít nhiều những ngụ ngôn của Trang tử. Tên ông gắn liền với tên của Lão tử và cả hai có công làm cho dân tộc Trung Hoa bớt thực tiễn, yêu thiên nhiên, tự do hơn, khoan dung hơn, khoáng đạt hơn… thơ văn cũng như hội hoạ từ Lục triều trở đi, nhất là dưới đời Tống đều mang dấu vết của Trang.

Ông là một triết gia tư tưởng độc đáo, một nghệ sĩ đa tài, văn ông vừa lãng mạn, nên thơ, vừa trào phúng, cay độc, ông sử dụng thuật ngụ ngôn không ai bằng”. _ Lời học giả Nguyễn Hiến Lê

TRANG TỬ LÀ AI?

Trang Tử (tiếng Hán: 莊子; ~365–290 trước CN[1]) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Châu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông còn có tên là Mông Lại (蒙吏), Mông Trang (蒙莊) hay Mông Tẩu (蒙叟). Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử.

Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú.

Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử.

Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang.

VỀ TIỂU SỬ CỦA TRANG TỬ

Cũng như Lão Tử, tư liệu sớm nhất chép về Trang Tử là ở bộ Sử ký của Tư Mã Thiên. Sử gia Tư Mã Thiên viết về Trang Tử khá vắn tắt: “Trang Tử, người đất Mông, tên Chu, làm quan lại ở Vườn Sơn (Tất Viên)” sau đó sống ẩn dật cho đến cuối đời. Nhưng điều chắc chắn là Trang Tử sống cùng thời với Mạnh Tử và Huệ Thi thời Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Đất Mông được xác định nằm trong đất Tống, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay. Trang Tử là một trong những nhà tư tưởng đặc biệt vào loại hạng nhất thời ấy, rất giỏi kể chuyện, có sức tưởng tượng vô cùng phong phú.

Cũng theo Tư Mã Thiên, Trang Tử là tác giả bộ Nam Hoa kinh gồm hơn mười vạn câu (thập dư vạn ngôn) để châm biếm cái học của Khổng Tử và xiển minh học thuật của Lão Tử. Miêu tả tính chất thoát tục của Trang, Sử ký Tư Mã Thiên có đoạn viết:
Uy vương nước Sở nghe nói Trang Chu là bậc hiền tài bèn sai sứ đem vàng lụa đến mời đón hứa cho làm tướng. Trang Chu cười nói với sứ giả rằng:
“Ngàn vàng đáng trọng thật, khanh tướng tôn quý thật, nhưng ông có thấy con bò bị đem đi tế lễ không? Nó được nuôi nấng vài năm rồi được choàng quần áo sặc sỡ để đưa vào Thái Miếu. Lúc đó, nó muốn làm con lợn đơn độc có được nữa chăng? Ông hãy về đi, chớ làm ta nhơ bẩn. Ta thà cứ rong chơi ở nơi ô trọc này còn thấy sướng hơn bị người chủ nước nọ trói buộc thân ta.”

(Nguyên văn Hán-Việt: Thiên kim trọng lợi, khanh tướng tôn vị dã. Tử độc bất kiến giao tế chi hỉ ngưu hồ? Dưỡng thực chi sổ tuế, y dĩ văn tú, dĩ nhập Thái miếu. Đương thị chi thời, tuy dục vi cô đồn, khởi hà đắc hồ? Tử cức khứ, vô ô ngã, ngã ninh du hí ô trọc chi trung tự khoái.)

Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trong chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang.

Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến “Trang Chu mộng hồ điệp” như một huyền thoại.

VỀ NAM HOA KINH

Theo Từ điển Thành ngữ Trung Quốc thì Nam Hoa là tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa.

Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là “sách Trang Tử”.

Văn chương trong Nam Hoa kinh rất có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời văn luôn luôn bóng bẩy, trôi chảy, ảnh hưởng rất lớn đến các thi nhân đời sau như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào,… và ngay cả đời nhà Đường như Lý Bạch, đời nhà Tống như Tô Đông Pha.
Nam Hoa kinh, theo sách Hán thư Nghệ văn chí, gồm 55 thiên, nhưng ngày nay còn được 33 thiên. Cũng theo truyền thuyết là do Hướng Tú san định và sau này sắp xếp đặt tên Thiên Chương. Không ai biết được rằng quá trình sắp xếp, san định ấy đã làm tổn thất 19 chương hay do đã thất lạc từ trước. Câu hỏi này thật khó giải đáp vì bản hiện nay được hoàn chỉnh vào đời nhà Tấn (thế kỷ thứ 3), cách xa Trang đà hơn 500 năm. Các bản dịch Nam Hoa kinh tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay là của Nhượng Tống, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Tôn Nhan. Mỗi dịch giả một văn cách, phiêu diêu có, cao nhã có nhưng cốt yếu thì chỗ nhất quán trong tư tưởng của Trang Chu vẫn được tuyệt chú.
Nam Hoa kinh (hay còn gọi là Nam Hoa chân kinh) gồm ba phần:
* Nội thiên – gồm 7 thiên có tựa đề là: Tiêu dao du, Tề vật luận, Dưỡng sinh chủ, Nhân gian thế, Đức sung phù, Đại tôn sư, Ứng đế vương.
* Ngoại thiên – gồm 15 thiên có tựa đề là: Biền mẫu, Mã đề, Khứ cự, Tại hựu, Thiên địa, Thiên đạo, Thiên vận, Khắc ý, Thiện tính, Thu thủy, Chí lạc, Đạt sinh, Sơn mộc, Điền tử phương, Tri bắc du.
* Tạp thiên – gồm 11 thiên: Canh tang sở, Từ vô quỉ, Tắc dương, Ngoại vật, Ngụ ngôn, Nhượng vương, Đạo chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ, Liệt ngự khấu, Thiên hạ.
Cao đài từ điển [1] cho biết (theo nguồn Trang Tử tinh hoa): có 5 nhà làm sách chú thích Nam Hoa kinh, nhưng số thiên của mỗi nhà chú thích lại khác nhau:

  1. Bản chú thích của Tư Mã Bưu, 21 quyển, 52 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 28 và Tạp thiên có 14, Giải thuyết có 3 thiên. Bản chú nầy hiện nay đã thất lạc.
  2. Bản chú của Mạnh Thị, 18 quyển 52 thiên. Bản nầy cũng bị thất lạc.
  3. Bản chú của Thôi Soạn, 10 quyển 27 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 20. Quyển sách nầy cũng đã mất.
  4. Bản chú của Hướng Tú, 20 quyển 26 thiên, không có Tạp thiên. Bản nầy cũng đã mất.
  5. Bản chú của Quách Tượng, 33 quyển 33 thiên. Nội thiên có 7, Ngoại thiên có 15, Tạp thiên có 11. Bản nầy hiện còn nhưng sửa lại còn 10 quyển.

Về sau có Tiêu Hoằng làm ra pho sách Trang Tử Dực, gom góp các lời chú giải của những người trước, từ Quách Tượng trở đi, có lối 22 người. Có thể nói đây là một pho tạp chú rộng rãi và đầy đủ, rồi phần sau lại có phụ thêm phần Trang Tử Khuyết Ngộ, gom góp những chỗ sai biệt từ cuốn Nam Hoa Kinh Giải của Lục Cảnh Ngưu đời Tống đến các tài liệu trong Sử Ký, sách Trang Tử Luận của Nguyễn Tịch, Vương An Thạch, sách Trang Tử Từ Đường Ký của Tô Đông Pha,… Tóm lại, hầu hết các sách của các học giả nghiên cứu về Trang Tử đều được Tiêu Hoằng đọc và trích lục đầy đủ.

Căn cứ vào văn mạch của Trang Tử, chỉ có phần Nội thiên là biểu thị được cái chỗ trọng yếu của học thuyết của Trang Tử; còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn đi bàn lại những tư tưởng đã phô diễn trong Nội thiên mà thôi. Riêng Tạp thiên bị xem là văn phong bác tạp không thuần nhất, thậm chí có nhiều chương bị coi là vụng về thô thiển như chương Đạo chích, Ngư phủ, tư tưởng tạp loạn, chê bai Khổng Tử một cách vụng về.

TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA TRANG TỬ

Kế thừa truyền thống của triết học cổ Trung Quốc, nguyên tắc trình bày quan điểm triết học của Trang Tử là “có lời vì ý, được ý quên lời”. Vì vậy, tư tưởng triết học của ông được biểu hiện một cách đơn sơ lại huyền hoặc, nửa sáng, nửa tối, cảm nhận được nhưng không thể diễn đạt bằng lời. “Nó giống như một bức tranh mộc mạc, đường nét đơn sơ, nhưng lại chứa đựng tất cả vì tất cả đang biến động, biến hóa như rồng uốn lượn, cuộn mình tan lẫn trong mây”[2].

Trang Tử – mặc dù rất có công trong việc mài dũa viên ngọc “đạo” của Lão Tử nhưng hết sức đề cao sự thực hành bằng chính bản thân cuộc sống theo “đạo” (nguồn sống, đạo sống) hơn là việc suy ngẫm nhưng triết lý thâm trầm về đạo. Sự gợi mở trong cách cảm nhận về học thuyết của mình khiến cho Nam hoa chân kinh giữ được khoảng trống sáng tạo cho nhiều thế hệ độc giả. Có thể hiểu một cách khái lược tư tưởng triết học của Trang Tử như sau:

* Vô danh. Tử viết: “Đạo chẳng thể nghe được, nghe được không phải là nó. Đạo chẳng thể thấy được, thấy được không phải là nó. Làm sao lấy trí mà hiểu được cái hình dung của cái không hình dung được? Vậy không nên đặt tên cho đạo” (Tri bắc du). Khác với học thuyết Chính danh và đường lối hữu vi của Khổng Tử, ông cho rằng đạo không thể diễn đạt bằng lời, “Duy Kỳ vì ham mê, muốn tỏ rõ nó nên suốt đời mờ tối” (Tề vật luận) còn “phần tinh túy của chí đạo thì mờ mịt, huyền ảo. Chỗ rất mực của đạo thì lặng hẳn, tối ráo” (Tại hựu).

* Vô thường. Trạng thái vận động, không ngừng biến đổi của vũ trụ và vạn vật chính là “sự sống” của đạo. Thiên hạ có đoạn viết rất hay về nội dung cốt lõi trong tư tưởng này của ông khi đem so sánh đạo với con rồng uốn lượn, luôn luôn biến đổi: “Thoắt lặng không hình, biến hóa không thường, chết chăng, sống chăng? Muôn vật la liệt, không có gì đáng là nơi để ta về”. Đây cũng là chỗ khác biệt giữa Lão và Trang. Trong Đạo đức kinh của Lão Tử luôn luôn thể hiện các mặt đối lập trong đạo: âm-dương, cương-nhu, sống-chết…, với Trang Tử, tất cả chỉ có một – trong sự biến hóa không ngưng nghỉ.
Đông Quách Tử hỏi Trang Tử:- “Đạo ở đâu?” -Không chỗ nào không có.
“Xin chỉ ra mới được?” -Trong con kiến -Trong cọng cỏ -Trong miếng sành vỡ … Lời của ông chẳng đi đến đâu cả. Đừng chỉ hẳn vào vật nào có nó (đạo), vì không có vật nào là không có nó. Đạo lớn là thế. (Tri bắc du)

* Đức: Giống như đức của Mặt Trời là sáng và nóng, đức của nước là lạnh và tuôn chảy, của gió là mát và dịch chuyển, đức của con người cũng là một trạng thái tự nhiên không ràng buộc với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. “Đức của người thọ ở nơi đất trời, hãy biết gìn giữ nó tột cùng, đừng làm hư hại nó” (Dưỡng sinh chủ). Vì đức tự nhiên như “bò ngựa bốn chân thì thuộc về trời, còn thòng cổ ngựa, xâu cổ bò là thuộc về người” nên đức có đời sống độc lập, vận động theo lẽ lớn của tạo hóa và đạo.

* Vô vi: Từ các quan điểm triết học nêu trên, tư tưởng nhân sinh căn bản trong Nam hoa kinh của Trang Tử là vô vi – mẫu mực sống của các bậc thánh nhân – đứng ở chỗ khôn lường mà chơi ở miền không có. Vô vi hành động theo lẽ tự nhiên nhi nhiên, vô tư, hồn nhiên như trẻ thơ “giữ tâm điềm đạm, khí điềm tĩnh, thuận theo tự nhiên mà không theo ý riêng của mình” (Ứng đế vương). Cũng giống như Vô vi của Lão Tử là “vô vi nhi vô bất vi” nhưng mới hơn ở Trang Tử là không thái quá và biết phá bỏ những gì cản trở cho sự phát triển tự nhiên của vạn vật, làm cho mọi vật đều được tự do, bình đẳng sống theo đúng bản tính, sở thích tự nhiên của nó.

Có thể thấy rằng, quan điểm triết học của Trang Tử đã thể hiện tư tưởng và địa vị giai cấp của tầng lớp quý tộc sa sút trong thời kỳ loạn lạc. Hoài nghi hiện thực, yếm thế nhưng phóng nhiệm; trở về với tự nhiên, trở về với đạo như một sức mạnh thiên nhiên huyền bí.

TIÊU DAO DU CÙNG TRANG TỬ

Tiêu dao (tiêu diêu) là tự do tự tại, du là ngao du. Tiêu dao du có nghĩa là ngao du, rong chơi tự do tự tại. Những câu chuyện trong Tiêu dao du vận dụng tối đa nghệ thuật tưởng tượng, hư cấu vào ý thức sáng tác, kết hợp với cơ sở sự thật. Biệt tài kể chuyện ngụ ngôn của Trang Tử khiến ông không những xứng đáng là một triết gia mà còn là một tác gia văn học với hàng ngàn tỉ dụ trong văn chương. Vì thế, ông còn được xem là ông tổ của phái văn học u mặc trào lộng của nước Tàu từ xưa đến nay.

Văn trong Nam hoa kinh toàn dùng lối nghịch thuyết, tức là lối nói nghịch để bổ túc những chân lý phiến diện của người đời. Bởi vậy, văn chương trong Nam Hoa chân kinh rất ngang dọc, phóng túng, khi nói xuôi, khi nói ngược, nói Đông để đả kích phía Tây, nói phải để tỏ thêm cái quấy, nói quấy để bổ túc cho cái phải.

Thiên thứ nhất của Nam Hoa kinh, Tiêu dao du kể rằng: “Biển bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm. Nó biến thành con chim tên là Bằng, lưng của con chim Bằng lớn cũng không biết mấy ngàn dặm. Khi con chim Bằng ấy vỗ cánh bay lên cao, hai cánh nó lớn như đám mây che cả bầu trời. Loài chim ấy, khi biển động, sóng lớn gầm gào, nó liền chuyển về biển nam. Chỗ biển nam ấy là một cái ao vĩ đại do thiên nhiên tạo thành”.

“Một con ve và một con chim nhỏ cười chim Bằng rằng: ‘Ta cố sức bay lên cây du, có lúc bay không tới nơi đã rơi xuống cũng chẳng sao, việc gì cần phải bay cao chín vạn dặm đến biển Nam làm gì?’. Người đi đến cánh đồng ngoài chân thành, chỉ cần chuẩn bị ba bữa cơm là đủ quay về, bụng vẫn còn no, còn nếu muốn đi xa nơi trăm dặm thì cần chuẩn bị lương thực một ngày, nếu muốn đi xa ngàn dặm, cần chuẩn bị lương thực ba thăng. Hai con vật nhỏ bé ấy mà biết cái gì?”

… Đem loài chim Bằng so với loài côn trùng bé nhỏ (con Côn); chỗ này tư tưởng Trang gặp điểm “bất nhị” của Phật học. Chim Bằng lớn có thú vui lưng chở trời xanh, chim Côn nhỏ có niềm hân hoan chưa bay cao mà đã rơi xuống, suy cho cùng, lớn-nhỏ chỉ là cái bên ngoài, còn tự tại thung dung thì không tách bạch.

Tiêu dao du, ngay từ những dòng đầu đã tỏ cái chí “du tử” của tác giả. Khác với chỗ đắc đạo của Lão Tử “rụt rè như mùa đông lội qua sông, nghỉ ngơi như sợ láng giềng bốn bên, nghiêm chỉnh như một người khách”, chỗ phóng nhiệm của Trang Tử bày biện khoáng đạt, rộng rãi như con chim Bằng bay qua biển Nam… Học thuyết của Trang Tử trong Nam Hoa chân kinh, vì thế trở nên vô cùng sinh động, kiến chiếu dưới nhãn quan của một hành giả đắc đạo “không hành, tuyệt đích”.

NHỮNG LỜI BÌNH VỀ TRANG TỬ

Sống trong thời kỳ lịch sử có nhiều biến động dữ dội, Trang Tử được coi là nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc. Một người “thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn” để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Cuộc đời của Trang Tử gắn liền với giấc mơ bướm huyền thoại, gắn với vô số những trùng ngôn, ngụ ngôn sinh động, hấp dẫn. Các học giả khi nghiên cứu về Trang Tử đều cho rằng “khó có thể hiểu và trình bày đầy đủ, hệ thông triết học của ông”.[3]

Tư Mã Thiên viết: “Sách ông viết có hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn. Văn ông viết khéo, lời lẽ thứ lớp, chỉ việt tả tài tình để bài bác bọn Nho-Mặc. Đương thời những bậc túc học cũng không sao cãi để gỡ lấy mình cho nỗi. Lời văn phóng túng mênh mông, cầu lấy sự ý thích của mình mà thôi. Cho nên các bậc vương công không ai biết nổi ông là người thế nào”[4]Thanh Hán đời Tống lại cho rằng: “Cần lấy Trang Tử mà giải Trang Tử, tuyệt không tin vào ai, mà dưới cũng không bắt ai theo Trang Tử”[5]. Đời Thanh, Lâm Tây Trọng quan niệm: “Cần lấy Trang Tử để giải thích Trang Tử, nhưng phải hiểu được cả sở trường Nho-Phật-Đạo mới nên đọc sách này”[5]

Về Trang Tử, nhìn từ góc độ triết học, tư tưởng học hay văn học đều thấy được sự phong phú nổi trội trong cách thức biểu hiện: một Đạo gia “phóng nhiệm”, “tài tử”, “ngông” và đầy sáng tạo.

Chú thích

    1. Về niên đại của Trang Tử còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Tư Mã Luận trong Trang Tử tống nhân khảo thì Trang Tử sinh năm 370, mất 298 trCN. Còn theo Phùng Hữu Lan trong Đại cương triết học sử Trung Quốc thì niên đại của Trang Tử là 389-286trCN.
2.Đại cương lịch sử triết học Trung Quốc, tr157, HN 2004.
3. Văn hóa và đạo giáo, tr158, NXB Văn hóa, HN 2001.
4. Sử ký, Tư Mã Thiên, Văn học, Hà Nội, 1988.
5. 5,0 5,1 Trang Tử tinh hoa, tr71, Nguyễn Duy Cần, Khai Trí 1965.

HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ

Học thuyết của Trang Tử được trình bày trong sách Nam Hoa Kinh, tức sách Trang Tử.

Nam Hoa Kinh ngày nay còn được 33 thiên, phân làm 3 phần: Nội thiên, Ngoại thiên, Tạp thiên. Nội thiên gồm 7 thiên, Ngoại thiên gồm 15 thiên, Tạp thiên gồm 11 thiên.

Căn cứ vào văn mạch thì chỉ có Nội thiên là biểu thị được chỗ trọng yếu của học thuyết Trang Tử, còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì rất rời rạc, chỉ bàn lại những tư tưởng đã phô diễn ở Nội thiên mà thôi.

Trong Nội thiên chỉ có: Tiêu Dao Du (bàn về tự do tuyệt đối) và Tề Vật Luận (bàn về bình đẳng tuyệt đối) là hai thiên quan trọng nhứt, làm nền tảng cho học thuyết Trang Tử.

Học thuyết của Trang Tử tóm tắt gồm mấy yếu điểm kể ra sau đây:

1. Đạo là một cái Toàn thể Nhứt nguyên. Cái lớn lao bao nhiêu cũng ở trong Đạo, mà nhỏ bao nhiêu cũng chứa đủ cái Đạo bên trong.

2. Đừng xem thường cái thế giới hữu hình, vì vật chất và tinh thần tựu trung là một. Hễ chưa đạt đến cái trung tâm điểm của mọi sự mọi vật, tức là chỗ hoàn trung của mọi lẽ mâu thuẫn, của mọi chân lý tương quan vụn vặt, thì cái Đạo nơi ta chưa thể thực hiện được. Mỗi vật đều có cái giá trị riêng của nó, không có gì cao trọng hơn cái gì, nghĩa là giá trị của mọi vật đều bằng nhau. Lòng tham dục đèo bòng theo ngoại vật, nhân đó sẽ tiêu tan tất cả.

3. Rồi mở rộng tâm hồn bao trùm vũ trụ, nhìn vạn vật bằng cặp mắt tổng quan, thấy sự chằng chịt dính líu của mọi cặp mâu thuẫn trong đời, nghĩa là thấy được sự không thể chia lìa của những gì mà người đời không thể nào hòa hợp đặng.

Mọi sự tranh chấp nơi lòng sẽ tiêu tan, mọi sự tranh chấp nơi ngoài cũng sẽ hết làm cho lòng mình thắc mắc nữa.

Mình cảm thấy mình là người có thể có ích cho đời, nhưng không phải là người nhu thiết cho đời.

Muốn đạt đến chơn lý tuyệt đối tức là Đạo, thì phải lo cởi bỏ cái học Nhị nguyên và trục vật. Càng bớt náo động chừng nào thì càng lại được thành công chừng nấy. Chơn lý nầy mà được thành thực nhìn nhận và đem ra thực hành dễ khiến cho lòng được thư thái nhẹ nhàng, tự do giải thoát.

TRANG TỬ VÀ LÃO TỬ

Sử gia đầu tiên của Trung hoa là Tư Mã Thiên bàn về cái học của Trang Tử có viết:

“Triết lý của Trang Tử khác với Lão Tử, lại muốn siêu thoát khỏi vấn đề nhân gian thế sự. Khi ông nói đến các vị vua đầu tiên của nhà Hán, cho rằng các bậc ấy lấy Vô vi mà trị nước là có ý muốn nói rằng các bậc trị nước ấy đã áp dụng triết lý chánh trị của Lão Tử. Chỉ đến cuối đời nhà Hán (-220) thì người ta mới bắt đầu để ý đến Huyền học, bấy giờ sách của Lão Tử mới được người ta dùng cái học của Trang Tử mà giải thích. Như vậy, ta thấy rằng, tuy khởi thủy hầu như lập trường triết lý của hai nhà đứng riêng nhau, nhưng vẫn có sự liên hệ với nhau luôn.”

Trong thời kỳ Tiền Hán (-206), tư tưởng của Lão Tử được truyền bá, còn tư tưởng của Trang Tử thì mãi đến thời Hậu Hán (từ 25 đến 220) mới được phổ biến.

Bởi vậy, buổi đầu nhà Hán, danh từ Hoàng-Lão (Hoàng Đế và Lão Tử) được xưng tụng và phổ thông, chỉ đến cuối đời nhà Hán mới đổi ra thành Lão-Trang (Lão Tử và Trang Tử).

Nếu ta so sánh sách của Lão Tử với sách của Trang Tử, ta sẽ thấy khác nhau rất xa mà từ trước đến giờ chưa ai nêu rõ lên. Lão Tử thì tham gia vào phong trào chung của người đồng thời (như Khổng Tử, Mặc Tử) với mục đích là cứu dân. Trong khi đó, Trang Tử chỉ quan tâm đến vấn đề cứu chữa lấy mình làm gốc. Dường như Lão Tử viết Đạo Đức Kinh là để cho các vị vua chúa và các nhà làm chánh trị chớ không phải viết cho các đệ tử của ông. Đọc quyển Đạo Đức Kinh, ta thấy rõ ông thường nhấn mạnh về việc trị nước, luôn luôn chống đối chánh sách hữu vi, thường hay can thiệp vào việc của dân chúng.

Như vậy, ta thường thấy, cái học của Trang Tử là để cho tất cả mọi người trong xã hội, bất cứ là người dân hay quan; còn cái học của Lão Tử là dành riêng cho những ai có sứ mạng dìu dắt dân chúng hay trị vì thiên hạ.

Trang Tử với thuyết Tiêu Dao của ông, lại còn đi xa hơn nữa ở chỗ không mấy thiết tha đến việc cứu rỗi thiên hạ, là vì ông không tin nơi sự cứu đời, bởi một lẽ rất giản dị là không ai giải thoát được mình cả ngoài mình, và nếu mỗi người đều biết lo cho mình được “vô kỷ, vô công, vô danh” thì đâu cần ai lo cải tạo ai, và việc đời sẽ tự nhiên không còn rắc rối nữa.

Vấn đề xã hội vì vậy đối với ông thật ra chỉ là vấn đề cá nhân.

Chân vịt ngắn, cố mà kéo ra cho dài ắt nó đau đớn khổ sở; chân hạc thì dài mà cố làm cho nó ngắn thì nó đau. Cho nên Tánh mà dài thì không phải là cái nên chặt bớt; Tánh mà ngắn thì không phải là cái nên kéo cho dài. Như vậy thì đâu còn chỗ nào phải đau khổ nữa.

Cái mà thiên hạ thường gọi là thương người và giúp đời, phải chăng tựu trung đều có cái ý đem tất cả người đời đều cùng theo về một quan niệm tư tưởng hay tình cảm như ta, và phải chăng trong thâm tâm ai ai cũng tin rằng: đời đục cả, một mình ta trong; đời say cả, một mình ta tỉnh.

Ở trong thiên Thiên Địa nói rõ điều đó: Ôi, hạng thật mê, suốt đời không tỉnh; hạng thật ngu, suốt đời không khôn. Ba người cùng đi mà có một người mê thì chỗ mình định nói đến còn có thể mong đạt tới được, là vì kẻ mê ít mà người tỉnh nhiều. Nếu ba người cùng đi mà có hai người mê thì chỗ mình định nói đến không thể mong đạt tới được, vì người mê nhiều mà người tỉnh ít.

Nay cả thiên hạ đều mê, ta dù có muốn chỉ đường cũng không thể được, chẳng cũng xót xa lắm sao!

Tiếng hát hay không sao lọt được vào tai bọn dân quê, hát líu lo bậy bạ vậy mà chúng náo nức vui mừng. Thế nên lời nói cao không thể lọt vào lòng thế nhơn. Lời hay không thể nói ra được là vì lời thô rất nhiều, đầy lấp cả thiên hạ, được thế lực bè đảng ủng hộ. Biết là sự chẳng thể được mà gượng làm, đó lại còn mê hơn thiên hạ nữa. Cho nên, thà bỏ đi, mà chẳng suy cầu để làm gì còn hơn.

Hễ đồng thì ứng, không đồng thì không ứng, mà hễ đồng với ta thì ta cho là phải, còn không đồng với ta thì ta cho là quấy! Con người ta đều thích người đồng với mình, mà ghét người không đồng với mình.

Lão Tử thì chủ trương: cứng rắn thì dễ bị nát, nhọn bén thì dễ bị mòn lụt, đầy thì dễ đổ, v.v… cho nên Lão Tử chỉ cho con người con đường để tránh khỏi sự đổ nát, mòn gãy,…. Trái lại, Trang Tử thì chủ trương sự: ngoại tử sinh, vô chung thủy. Cho nên, chỗ mà Lão Tử chăm chú thì Trang Tử lại nhìn với cặp mắt thản nhiên như không đáng kể.

Tóm lại, theo Sử gia Tư Mã Thiên, cái học của Trang Tử không đâu là không bàn đến, nhưng gốc ở những lời dạy của Lão Tử. Chỗ tương đồng của Trang và Lão là cả hai đều cùng một quan niệm về Đạo và Đức, và cả hai đều chống đối tư tưởng truyền thống đương thời, và vì thế mà Tư Mã Thiên đặt cho học phái nầy là Đạo Đức Gia, vì quan niệm Đạo và Đức là nền tảng chung cho cái học của Lão và Trang.

Như thế, tuy là tự độ, nhưng cũng là độ tha một cách tiêu cực. (Trích trong Trang Tử Tinh Hoa, của Nguyễn Duy Cần)

TẢI SÁCH NAM HOA KINH PDF CỦA TRANG TỬ

1. Trang Tử Nam Hoa Kinh – tác giả Nguyễn Hiến Lê

Mục Lục :

Phần 1: Tác giả và Tác phẩm

Chương 1: Thời đại và Đời sống

Chương 2: Tác phẩm

  • Xuất hiện từ thời nào?
  • Nội thiên
  • Ngoại thiên và Tạp thiên

Chương 3: Văn bộ Trang Tử

  • Ưu điểm
  • Nhược điểm
  • Một số nhà chú giải
  • Cách đọc Trang Tử
  • Chương 4: Học thuyết của Trang
  • Uyên nguyên từ đâu
  • Vũ trụ và căn bản luận
  • Tri thức luận
  • Chính trị luận
  • Nhân sinh quan
  • Lý tưởng của Trang
  • Dưỡng sinh
  • Xử thế
  • Kết

Phần 2: Nội thiên

  • Chương 1: Tiêu dao du
  • Chương 2: Tề vật luận
  • Chương 3: Dưỡng sinh chủ
  • Chương 4: Nhân gian thế
  • Chương 5: Đức sung phù
  • Chương 6: Đại tôn sư
  • Chương 7: Ứng đế vương
  • Phần 3: Ngoại thiên
  • Chương 8: Biền mẫu
  • Chương 9: Mã đề
  • Chương 10: Khư khiếp
  • Chương 11: Tại hựu
  • Chương 12: Thiên địa
  • Chương 13: Thiên đạo
  • Chương 14: Thiên vận
  • Chương 15: Khắc ý
  • Chương 16: Thiện tính
  • Chương 17: Thu thủy
  • Chương 18: Chí lạc
  • Chương 19: Đạt sinh
  • Chương 20: Sơn mộc
  • Chương 21: Điền tử phương
  • Chương 22: Trí Bắc du
  • Phần 4: Tạp thiên
  • Chương 23: Canh Tang Sở
  • Chương 24: Từ Vô Quỷ
  • Chương 25: Tác Dương
  • Chương 26: Ngoại vật
  • Chương 27: Ngụ gôn
  • Chương 28: Nhượng vương
  • Chương 29: Đạo chích
  • Chương 30: Thuyết kiếm
  • Chương 31: Ngư phủ
  • Chương 32: Liệt Ngự Khấu
  • Chương 33: Thiên hạ

2. Trang Tử Nam Hoa Kinh – tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Là tác phẩm do học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch và bình chú bản Trang Tử Nam Hoa Kinh. Đây à tác phẩm dịch và bình chú Nam Hoa Kinh của Trang Tử rõ ràng, mạch lạc được mọi giới công nhận là bản dịch tốt từ trước đến nay.

Mục Lục:

  • NỘI THIÊN
  • Các sách chú giải Trang Tử
  • HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ
  • TIÊU- DIÊU- DU
  • TỔNG BÌNH
  • TỀ- VẬT- LUẬN
  • PHẢI QUẤY VÀ XẤU TỐT
  • ĐỨC SUNG PHÙ

Download Sách Trang Tử Nam Hoa Kinh – tác giả Nguyễn Hiến Lê và Sách Trang Tử Nam Hoa Kinh – tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần bản PDF tại đây:

Hướng dẫn download
Xem hướng dẫn lấy code: TẠI ĐÂY
X

Bước 1: Copy từ khóa:

Bước 2: Dán từ khóa lên google và bấm tìm kiếmBước 3: Bấm vào link vuduy***.com trong kết quả tìm kiếm để truy cậpBước 4: Bấm vào nút hiển thị mã ở cuối bài viết rồi trở dán vào ô mã download để hiện link download
Bình luận
Đông Duy
Đông Duy
Thích khoa học tự nhiên và máy tính. Thích nghiên cứu những gì mới, nhưng mỗi ngày đều có thêm một thứ để biết nên làm cái blog này để viết được gì thì viết, chia sẻ cho mọi người chút thông tin hữu ích.

Bài viết liên quan

Bài viết xem nhiều

Theo dõi tôi

684Thành viênThích
342Người theo dõiTheo dõi
0Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Bài viết mới