Văn hóa cổ xưa luôn coi trọng người phụ nữ, vì thế ngay sau quẻ Càn chính là quẻ Khôn tượng trưng cho phụ nữ, mẹ và vợ, những nữ chủ quan trọng nhất trong gia đình. Quẻ Khôn Vi Địa hàm chứa trong nó những bài học xử thế sâu sắc dành cho nữ giới.
Trong kỳ này, chúng tôi xin mạn phép đưa ra góc nhìn hạn hẹp cá nhân về ý nghĩa của quẻ Càn Vi Khôn đối với Đạo làm mẹ – nuôi dạy con của người phụ nữ.
Người cha là trụ cột gia đình và làm gương cho con cái noi theo về tư cách đạo đức làm người. Tuy nhiên, vạn vật đều phải có Âm Dương tương hỗ thì mới phát triển lành mạnh được, nên sự giáo dục và nuôi dưỡng của người mẹ cũng là một thành phần rất quan trọng quyết định xem đứa con đó có nên người hay không.
Hãy cùng xem lại tích xưa “Mạnh Mẫu dạy con” kể về cách dạy con của mẹ Mạnh Tử, người đã nuôi dạy con mình trở thành bậc Thánh Nhân muôn đời. Trong cách dạy con của bà, bạn sẽ thấy hình bóng của quẻ Khôn Vi Địa vậy.
Ba lần chuyển nhà: Gần mực thì đen gần đèn thì rạng
Sở dĩ Mạnh Tử nên bậc Thánh hiền, ngàn đời lưu danh, phần lớn đều nhờ công đức dạy dỗ của mẹ – bà Mạnh Mẫu. Hồi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, suốt ngày bên cạnh nhà toàn là cảnh thê thảm: đào huyệt, kẻ la người khóc.
Tuổi nhỏ hay bắt chước, Mạnh Tử cũng ra xem, khóc la như người lớn.
Mạnh Mẫu nghĩ: “Nếu cứ ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư hỏng tính tình”.
Sau đó, bà dời nhà đến gần chợ.
Hằng ngày Mạnh Tử ra chợ, thấy thiên hạ mua bán nên về nhà thầy cũng bắt chước buôn bán với các trẻ con lân cận. Bà lại suy nghĩ: “Ở đây lâu ngày, con ta khó thành người”.
Bà lại dời nhà đến gần trường học. Thấy đám trẻ con đến trường siêng năng học hành, ăn nói có lễ phép, Mạnh Tử cũng bắt chước theo chúng, đòi với mẹ cho mình đi học.
Mạnh Mẫu rất đỗi vui mừng: “Chỗ này là chỗ tốt, ta nên ở”.
Từ nhỏ được tiếp xúc với các nhà học giả, điều đó đã tạo cơ sở vững chắc cho Mạnh Tử học tập lễ (lễ nghi), nhạc (âm nhạc), xạ (bắn cung), ngự (cưỡi ngựa), thư (thư pháp), số (toán pháp) và trở thành học giả nổi tiếng sau này.
Lời bàn:
Bản thân là một người phụ nữ, bà hiểu rằng không thể chỉ dùng sức của mình mà dạy con thành tài được. Cần phải có môi trường thích hợp, nên bà đã không quản ngại khó khăn mà 3 lần dời nhà. Bà là một người mẹ đạo đức chân chính, đây chính là đức Thuận của quẻ Khôn, nghĩa là theo Đạo Trời mà làm điều đúng cho con mình. Chính vì có đức Thuận mà bà sẽ đạt đến Nguyên Hanh Lợi Trinh, là 4 đặc tính tốt của quẻ Càn mà quẻ Khôn chỉ đạt được khi có đức Thuận. Do đó, con bà mới trưởng thành, là một Thánh nhân, tức là tượng quẻ Thuần Càn vậy.
Muốn dạy con thành người tốt, bản thân phải tốt: Trung thực là gốc
Một hôm nọ, Mạnh Tử thấy người hàng xóm chọc tiết lợn liền chạy về nhà hỏi mẹ: “Thưa mẹ, họ giết lợn để làm gì vậy?”
Lúc vui miệng, bà Mạnh Mẫu trả lời: “Họ giết lợn để cho con ăn thịt”.
Nói xong, bà vô cùng hối hận nghĩ thầm rằng: “Con mình còn bé, chẳng lẽ mình là mẹ nó mà lại nói dối”. Tuy trong nhà túng thiếu, ngay buổi sáng hôm ấy bà cũng cố gắng mua miếng thịt lợn đem về cho con ăn.
Lời bàn:
Người ta thường hay thích dạy bảo người khác nghiêm khắc mà thả lỏng cho bản thân mình. Vì thế nên chỉ có một Mạnh Mẫu nghìn năm nay. Nghiêm khắc với bản thân, sống trung thực chính là đức Nguyên của cả 2 quẻ Càn Khôn. Nguyên nghĩa là nguyên thủy, là noi theo Thiên Đạo từ nơi sâu thẳm nhất của lòng mình. Vì vậy mà Mạnh Mẫu không bao giờ buông lung hay dễ dãi với bản thân, nên mới có thể làm gương mà dạy con thành tài.
Bền chí: Không bao giờ bỏ cuộc
Hôm nọ, Mạnh Tử đang học trong lớp bỗng nhiên ham chơi, bỏ lớp học chạy về nhà.
Bà Mạnh Mẫu ngồi dệt vải trên khung cửi, thấy con hư hỏng như vậy liền cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt dang dở trên khung.
Mạnh Tử sợ sệt, chưa hiểu vì sao mẹ hành động như thế.
Bà giải thích: “Việc học hành của con cũng giống như việc dệt cửi của mẹ. Con bỏ học chẳng khác nào mẹ cắt đứt tấm vải này. Vì cắt đứt nên nó sẽ trở nên vô dụng. Người không trọng việc học sao có thể thành tài”.
Từ đó trở đi, Mạnh Tử không dám ham chơi mà bỏ học nữa.
Lời bàn:
Nhà Mạnh Tử vốn nghèo. Miếng vải đó có thể là sinh kế chủ yếu của cả nhà trong tuần đó. Vậy mà bà can đảm dám cắt ngang. Chẳng phải là Đạo đức hay Đạo học chân chính còn quý hơn tất cả vật chất, miếng ăn hay sao. Nên thời cổ mới có người vì bảo vệ danh dự và đạo đức mà không tiếc thân mình. Đó là sự nghiêm khắc mà cũng là uy nghiêm của Thiên Đạo, vốn không thể dùng thái độ khinh nhờn mà có thể đắc được. Chỉ có thành tâm bền chí mới thành tựu được mà thôi. Mạnh Mẫu đã dùng một tấm vải thô mà răn dạy con thành công. Đó là sự kiên trì và nghiêm khắc, chính là thể hiện tuyệt vời thay của đức Trinh (chính và bền) trong quẻ Thuần Khôn.
Bài viết trên thuộc seri bài viết “Bí Ẩn Kinh Dịch” gồm 13 bài, bạn có thể tham khảo thêm ở danh sách dưới đây:
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.1): Kinh Dịch có phải chỉ để bói mệnh, xem phong thuỷ?
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.2): Quẻ thuần Càn và nhận thức về Thần và vũ trụ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.3): Bài học về quyền lực và tiền bạc của quẻ Càn Vi Thiên
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.4): Quẻ ‘Càn Vi Thiên’ quan hệ giữa Thiên Đạo với gia đình
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.5): Quẻ Thuần Khôn và bài học về thuận theo tự nhiên
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.6): Quẻ Thuần Khôn hé lộ con đường trở về Thiên Quốc
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.7): Quẻ Thuần Khôn và bài học xử thế cho người phụ nữ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.8): Quẻ Thuần Khôn và cái đức của người làm mẹ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.9): Quẻ Thuần Khôn và bài học về cái đức của người làm vợ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.10): Khảm Vi Thuỷ – lời dạy của Thần dành cho con người
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.11): Khảm Vi Thuỷ nhắn nhủ con người giữ tâm như Tịnh Thuỷ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.12): Quẻ Thuần Khảm tiết lộ bí quyết của tài phú và trí huệ
- Bí ẩn Kinh Dịch (P.13): Quẻ Khảm Vi Thuỷ và lối thoát cứu nguy cho con người hiện đại